Bài mẫu phân tích
Mở bài
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc. Tác phẩm Truyện Kiều của ông là một trong những kiệt tác của nền văn học nước nhà. Truyện Kiều kể về cuộc đời sóng gió “ba chìm bảy nổi” của nàng Kiều. Trong Truyện Kiều, mỗi chi tiết đều đắt giá và được tác giả khai thác một cách chân thực nhất. Trao duyên là một trong những đoạn mở đầu cho cuộc đời đau khổ, bất hạnh của Thúy Kiều, khép lại những ngày “trướng rủ màn che”. Đoạn trích này nằm ở đầu phần hai: Gia biến và lưu lạc. Cùng phân tích 12 câu thơ đầu bài Trao duyên để thấy được tình cảnh “tình chị duyên em” trớ trêu và cảm thương cho thân phận nàng Kiều.
Thân bài
- Luận điểm 1: Lời nhờ cậy của Thúy Kiều
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng những từ ngữ, hành động để miêu tả sự trân trọng của Kiều với mối duyên này:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Ở đây Nguyễn Du đã sử dụng ngôn ngữ vô cùng tinh tế và chuẩn xác. Thay vì dùng chữ “nhờ”, Kiều dùng từ “cậy” khi nói với em. Mặc dù về ý nghĩa hai từ này giống nhau, nhưng về sắc thái biểu cảm lại hoàn toàn khác. Theo đó “cậy” thể hiện sự tin tưởng trọn vẹn cho người được nhờ. Nguyễn Du dùng từ “chịu” thay vì từ “nhận” để thể hiện tình cảm khẩn thiết, van nài. Dường như dùng từ “chịu” là đặt người được nhờ vào tình thế đã rồi, không thể từ chối.
Vì thế, ngay từ đầu, nàng Kiều đã khéo léo đặt Thúy Vân vào tình thế không thể xoay chuyển được. Điều này càng thấy được tình yêu sâu sắc, chân thành mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng thiêng liêng đến cỡ nào.
Ngôn ngữ có lẽ không nói hết được tâm can của Thúy Kiều, bởi thế nàng còn thể hiện thông qua những cử chỉ, hành động. Đời thuở nào chị lại phải “lạy, thưa” với em. Nhưng ở đây, Thúy Kiều đã làm như vậy bởi coi Thúy Vân như ân nhân của mình. Nàng hiểu rằng việc cúi mình trước em gái chẳng là gì so với việc nhờ em thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Bởi việc đó với Thúy Vân có thể là bất công, là thiệt thòi. Thông qua hành động của Thúy Kiều cho thấy sự trân trọng, biết ơn tới em gái thế nào. Nhưng câu thơ như xé tâm can ấy còn là sự xót xa của nàng Kiều cho chính số phận của mình.
Thông qua cách Thúy Kiều đặt vấn đề với em, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy sự thông minh, tinh tế của nàng. Bởi phải tinh tế, am hiểu tâm lý con người lắm, Kiều mới có thể suy nghĩ thấu đáo cho người khác như vậy. Dù trong lòng, việc Trao duyên này nàng không hề mong muốn một chút nào.
- Luận điểm 2: Những lý lẽ trao duyên của Kiều
Sau lời mở đầu khôn khéo ấy, để thuyết phục em nhận lời trao duyên, Thúy Kiều đã dãi bày tâm sự bằng những điều thật lòng:
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Thúy Kiều đã tâm sự cho em biết cuộc tình mới chớm nở của chị bây giờ đành “đứt gánh tương tư”. Sóng gió gia đình ập đến, chị không thể để em gánh chịu, vì thế dù đau khổ, xót xa nhưng đành trao lại duyên này gửi em. Ở đây, Kiều đã mượn điển tích “keo loan” để ngầm nói lên ý định muốn Thúy Vân thay mình chăm sóc, kết duyên với Kim Trọng. Trong lòng Kiều bây giờ ngổn ngang trăm mối vì nghĩ mình đang làm điều không công bằng với em. Nhưng dù không muốn, Kiều vẫn phải để mối “tơ thừa” “mặc” Thúy Vân quyết định.
Thế rồi, Kiều tiếp tục tâm sự về những kỷ niệm tình yêu thật đẹp đẽ. Những kỷ niệm ấy nàng chỉ muốn giữ cho riêng mình. Nhưng giờ đây thực tại quá phũ phàng, tất cả chỉ còn là quá khứ:
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Những kỷ niệm tình yêu của đôi uyên ương mới chớm nở đẹp biết mấy. Chỉ hai câu thơ thôi nhưng ta cảm nhận được một tình cảm sâu nặng, chất chứa trong đó là nỗi xót xa và dày xé tâm can.
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
Mối tình vốn đang tươi đẹp với bao lời ước thề. Ấy thế nhưng sóng gió ập đến, Kiều phải đứng giữa hiếu và tình. Một bên là cha và em trai mắc oan bị bắt, một bên là người một lòng một dạ vì nàng. Dường như con tim của Kiều đang rỉ máu, quằn quại đau đớn vì mối trái ngang này. Nhưng là một người con hiếu thảo, nhìn cảnh cha và em trai chịu khổ, nàng đành hy sinh tình yêu cá nhân để làm tròn chữ hiếu. Nàng nói cho Thúy Vân không phải là để kể lể, mà là để cho em hiểu nỗi đau của mình. Từ đó, mong em hiểu và có thể chấp nhận được mối lương duyên trái ngang đó. Dường như, Kiều sợ Thúy Vân từ chối, hết dãi bày tâm sự, nàng còn dùng mọi lý lẽ sắc bén để thuyết phục:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước nôn
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây
Thúy Kiều đã đưa ra liên tục ba lý lẽ để thuyết phục em. Từ việc em còn trẻ, tuổi xuân còn dài, đến việc lấy tình thân máu mủ đến lay động. Và ngay cả cái chết, nàng cũng lất ra để thuyết phục em. Đến mức dù có chết nàng vẫn “ngậm cười” vì Thúy Vân đã nhận lời gửi gắm của mình.
Với ba lý lẽ đó, Thúy Vân chẳng thể nào chối từ. Mặc dù nỗi đau Thúy Kiều nhận phải gấp trăm nghìn lần, nhưng nàng chẳng để tâm, lúc nào nàng cũng chỉ canh cánh nỗi đau đã phụ bạc người mình yêu. Thế nên, bằng sự chân thành, Thúy Kiều muốn thuyết phục Thúy Vân nhận lời trao duyên như một cách để bù đắp cho Kim Trọng.
Kết bài
Phân tích 12 câu thơ đầu bài Trao duyên, ta thấy được sự tinh tế của Nguyễn Du khi đã tô vẽ nên hình ảnh Thúy Kiều thật đẹp. Đó là một cô gái mong manh nhưng rất mạnh mẽ, kiên cường, vẹn nghĩa vẹn tình. Một đoạn thơ ngắn thôi nhưng Nguyễn Du cũng đã sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình. Những từ ngữ được sử dụng đều đắt giá, cùng lập luận sắc bén khiến người được nhờ rơi vào tình thế khó chối từ.
Thông qua phân tích 12 câu thơ đầu bài Trao duyên ta thấy được sự thông minh, khéo léo hơn người của Thúy Kiều. Đồng thời thấy được tấm lòng thủy chung, vẹn nghĩa, trọn tình với người mình yêu và là người con có hiếu với cha mẹ.
>> Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”