I. Đề văn tham khảo Văn lập luận giải thích
Đề 1 Văn lập luận giải thích:
Mùa xuân là tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Bác Hồ muốn khuyên dạy điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?
1. Dàn ý
Mở bài: giới thiệu câu thơ của bác Hồ. Khẳng định lại vai trò của việc trồng cây xanh
Thân bài:
– Giải thích câu thơ => Rút ra ý nghĩa chính
+ Mùa xuân là mùa có thời tiết ấm áp, có những cơn mưa nhẹ phù hợp để cây cối, vạn vật đâm chồi nảy lộc.
+ Trồng nhiều cây xanh sẽ làm tăng sức sống của đất trời, khiến đất nước mãi xanh, bảo vệ được môi trường.
– Trồng cây xanh sẽ góp phần làm tăng màu xanh của đất nước.
– Mùa xuân tượng trưng cho sức sống, là sự khởi nguồn trỗi dậy đầy mạnh mẽ. Màu xanh cũng là màu của hy vọng về một tương lai tươi sáng, của sự sống mơn mởn.
– Trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của câu thơ.
2. Bài văn mẫu
Mở bài
Trồng cây, gây rừng đã và đang trở thành trách nhiệm của toàn bộ công dân trên Trái Đất này. Và những người như chúng ta cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Bác Hồ đã từng chia sẻ “Mùa xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Thân bài
Thật vậy, trồng cây có rất nhiều lợi ích. Cây được gọi là lá phổi xanh của con người vì nó hấp thụ khí các-bô-níc và thải ra khí oxi rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Bên cạnh đó, cây sẽ giúp cho môi trường thêm xanh, thoáng đạt, đặc biệt là không khí trong lành, giảm thiểu tối đa nguy cơ khí hậu nóng lên toàn cầu. Như đúng ý của Bác, mùa xuân với không khí ấm áp, gió thổi nhè nhẹ, nắng không quá gắt, thi thoảng có mưa phùn rất thích hợp cho việc trồng cây.
Mùa xuân tượng trưng cho sức sống, là sự khởi nguồn trỗi dậy đầy mạnh mẽ. Màu xanh cũng là màu của hy vọng về một tương lai tươi sáng, của sự sống mơn mởn. Chính vì thế, trồng cây ở đây theo lời vị lãnh tụ vĩ đại chính là còn trồng người. Chúng ta cần phải đào tạo, chọn những thứ tốt nhất để phát triển cho trẻ nhỏ, để trẻ có thể phát huy tài năng một cách mạnh mẽ nhất. Vì trẻ chính là mầm non tương lai của đất nước, của dân tộc.
Kết bài
Hãy cùng trồng cây để bảo vệ môi trường, hãy chung tay “trồng” người để đất nước thêm giàu mạnh.
Đề 2 Văn lập luận giải thích:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Hãy tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao ấy.
1. Dàn ý
Mở bài: giới thiệu, dẫn dắt vào câu ca dao.
Thân bài:
– Giải thích ý nghĩa của câu ca dao:
+ Dân gian đã mượn hình ảnh rất đẹp là nhiễu điều và giá gương để nhấn mạnh vào tinh thần đoàn kết.
+ Nghĩa đen: miếng vải nhiễu điều phủ lên tấm gương.
+ Nghĩa bóng: tinh thần đoàn kết, tương trợ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của người dân Việt Nam.
=> Câu ca dao khuyên chúng ta phải có lòng đoàn kết, biết yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh.
– Dẫn chứng: tinh thần đoàn kết của quân và dân ta qua các cuộc chiến.
Kết bài: Khẳng định lại giá trị của câu ca dao.
2. Bài văn mẫu
Mở bài
Đoàn kết – một trong những phẩm chất đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam ta từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và nó được truyền tải qua câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Thân bài
Đầu tiên, câu ca dao xuất hiện với nghĩa bóng là cái khăn nhiễu được phủ lên tấm gương. Nhưng chúng ta cần phải nhìn rộng ra, nhìn sâu vào sẽ thấy được một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn nữa. Bởi nhiễu điều và gương chính là tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào ta trong những lúc khó khăn hoạn nạn.
Điển hình nhất cho lòng đoàn kết phải kể đến lúc Việt Nam ta còn trong thời kỳ chiến tranh liên miên. Hết đế quốc này đến đế quốc khác đều muốn nuốt miếng bánh thơm ngon là nước ta. Lúc này, dù có đói có nghèo thì quân và dân ta vẫn sẵn sàng chiến đấu. Người giàu có gạo, có tiền thì chia cho người nghèo, người nghèo không của cải để giúp thì tình nguyện ra tiền tuyến để chiến đấu. Sự anh dũng hy sinh, cao hơn cả là tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa bộ đội và nhân dân đã làm lên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam.
Kết bài
Có thể nói, tinh thần đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Những thế hệ đi sau như chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy nó.
Đề 3 Văn lập luận giải thích:
Văn lập luận giải thích
Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.
1. Dàn ý
Mở bài: Dẫn dắt vào vấn đề Thất bại là mẹ thành công.
Thân bài:
– Giải thích câu tục ngữ:
+ Thất bại ý chỉ đến những lần chúng ta không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí là vấp ngã trong cuộc đời.
+ Thành công là việc con người đạt được những điều mà bản thân mong muốn.
+Mẹ là người đã sinh ra chúng ta.
=> Như vậy câu tục ngữ này đã khẳng định, thất bại chính là thứ sẽ sinh ra thành công. Chỉ cần khi gặp khó khăn, ta không gục ngã mà sẵn sàng đứng dậy thì thành công chắc chắn sẽ mỉm cười.
– Dẫn chứng:
+ Phải ngã mới biết đi xe.
+ Nhà bác học Edison phải trải qua nhiều sự thất bại mới sáng tạo thành công ra bóng đèn.
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và ý nghĩa của câu tục ngữ.
2. Bài văn mẫu
Mở bài
Cuộc sống không phải lúc nào cũng được trải đầy hoa hồng mà nó còn xuất hiện nhiều những chông gai, thử thách. Vậy khi đó, chúng ta sẽ làm gì? Sẽ nằm đó và gục ngã hay tiếp tục đứng lên để đối đầu. Tất nhiên, khi gặp khó khăn chúng ta phải dũng cảm đi tiếp, đó là thứ đã được đúc kết từ câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công.
Thân bài
Thất bại ý chỉ đến những lần chúng ta không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí là vấp ngã trong cuộc đời. Còn thành công là việc con người đạt được những điều mà bản thân mong muốn. Mẹ là người đã sinh ra chúng ta. Như vậy câu tục ngữ này đã khẳng định, thất bại chính là thứ sẽ sinh ra thành công. Chỉ cần khi gặp khó khăn, ta không gục ngã mà sẵn sàng đứng dậy thì thành công chắc chắn sẽ mỉm cười.
Ngày xưa, mỗi lần chúng ta tập xe đạp thì ít nhất cũng phải có một đến hai lần ngã xa. Và ngay sau đó, chúng ta có thể biết đi luôn, thậm chí sau này còn ngã. Bởi vì khi bị ngã chúng ta đã tiếp tục đứng dậy dắt xe và tập tiếp. Và nhờ đó, chúng ta đã có thể luyện tập thành công nó. Bên cạnh đó, đến các nhà khoa học đại tài cũng phải trải qua nhiều thí nghiệm thất bại rồi mới nghiên cứu thành công. Như Edison, nhà bác học lỗi lạc của thế giới để sáng tạo ra bóng đèn sợi đốt đã thất bại liên tục trong các cuộc thí nghiệm. Vậy tại sao chúng ta lại không được thất bại đúng không? Ai trong cuộc đời cũng phải gặp thất bại và trong hoàn cảnh đó, người biết đứng dậy thì mới thành công.
Kết bài
Thất bại không đáng sợ, chỉ có những kẻ nhát gan, không có ý chí thì mới đáng lên án và phê phán. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy rèn luyện sức mạnh cùng một ý chí kiên cường để có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
Đề 4 Văn lập luận giải thích
Dân gian có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.
1. Dàn ý
Mở bài: Khẳng định tầm quan trọng của lời nói. Dẫn dắt đến câu nói Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Thân bài:
– Lời nói gói cả vàng => nó rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
– Lời nói phản ánh đến nhân phẩm, đạo đức và thậm chí là trình độ học vấn của mỗi người.
– Trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta phải chọn được từ ngữ, câu nói sao cho thật phù hợp, tránh sự vô duyên, không đúng chủ đề giao tiếp.
– Phải luyện tập thì mới có được những lời nói đẹp.
Kết bài: Khẳng định lại tầm quan trọng của lời nói.
2. Bài văn mẫu
Mở bài
“Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” một trong những câu nói mà đã là người Việt Nam thì phải nghe nhiều lần. Câu nói này đã đề cập tới tầm quan trọng của lời nói đối với đời sống và con người.
Thân bài
Lời nói thì ai cũng hiểu đó là những lời chúng ta thốt ra, nói ra để giao tiếp với mọi người xung quanh. Và nó là một trong những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Một lời nói sẽ thể hiện được ngay tầm hiểu biết, học thức, thậm chí là cả nhân phẩm, đạo đức của một người. Nếu ăn nói nhẹ nhàng, dễ nghe thì chắc chắn đó là một người tốt, có đạo đức tốt. Ngược lại, nếu ăn nói khó nghe, nói tục chửi bậy, chửi người khác thì chắc chắn đó là một kẻ có nhân phẩm tồi tệ.
Bên cạnh đó, lời nói còn chó chúng ta biết được đối tượng giao tiếp có phải là một người học sâu hiểu rộng không. Bên cạnh đó, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống, chúng ta cần phải lựa chọn những từ ngữ mang sắc thái phù hợp. Nếu như đi đám tang thì phải ăn nói nhẹ nhàng, dùng những từ thể hiện sự kính trọng với người với ra đi. Còn nếu đi đám cưới hoặc đi chơi với bạn thì có thể nói suồng sã, tự nhiên.
Kết bài
Để có cho mình một lời nói hay lại là một điều không hề dễ dàng. Chúng ta cần phải luyện tập trong thời gian dài mới cải thiện được cách giao tiếp của mình.
Đề 5:
Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.
1. Dàn ý
Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu câu nói: Học, học nữa, học mãi.
Thân bài:
– Ý nghĩa của câu nói: Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người trong chúng ta.
– Nếu không học thì trình độ của chúng ta sẽ bị tụt về phía sau, dần trở nên lạc hậu so với những người khác.
– Dẫn chứng:
+ Học sinh học để đổi đời.
+ Công nhân cũng phải học để nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của lời khuyên của Lê-nin.
2. Bài văn mẫu
Mở bài
Học, học nữa, học mãi – câu nói bất hủ của Lê-nin đã được nhiều học sinh, sinh viên thậm chí là tất cả mọi người làm theo. Vậy tại sao nó lại nổi tiếng đến như vậy?
Thân bài
Trước hết, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu học là gì? Học là việc mỗi người chúng ta từ sách vở, từ người khác, từ cuộc sống… mà tiếp thu được tri thức, kiến thức. “Nữa”, “mãi” là các từ chỉ một thời gian lâu dài, thậm chí là vĩnh hằng vĩnh cửu. Có thể nói, câu nói của Lê-nin đã khẳng định được tầm quan trọng của việc học đối với mỗi người; đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình học là một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày mai.
Thực tế, những bạn học sinh, những anh chị sinh viên dù ở đâu cũng phải học. Học trên lớp, học trong sách giáo khoa, tự học để giúp cho mọi người cải thiện những phần còn thiếu sót, bổ sung lại những phần đỡ quên hoặc chưa biết. Nhờ có việc học mà chúng ta có thể mở ra một tương lai tươi sáng cho chính bản thân mình. Không chỉ có học sinh sinh viên mà cả những người nông dân, công nhân vẫn phải học. Nông dân học cách để làm ra một giống lúa mới tăng chất lượng và sản lượng, phục vụ cho bà con. Những công nhân phải học để tiếp thu những phương tiện, máy móc, công nghệ mới.m
Kết bài
Như vậy, việc học cả đời là vô cùng quan trọng. Không cần biết chúng ta xuất phát từ khi nào, chỉ cần là không bỏ học thì nhất định sau này sẽ thành công.
II. Những điều cần lưu ý
1. Cần chú ý vào việc hình thành bố cục cho bài văn.
2. Vận dụng tốt các cách lập luận giải thích để đưa ra những lý lẽ thuyết phục.
3. Bài văn phải có tính liên kết giữa các đoạn, ý phải mạch lạc.
4. Viết đúng ngữ pháp và chính tả.