Soạn văn: Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ
1. Câu hỏi và trả lời phần Chuẩn bị
1.1.Câu hỏi trang 73 SGK: Khi đọc văn bản nghị luận, các em cần chú ý:
– Văn bản viết về vấn đề gì?
– Ở văn bản này, người viết định thuyết phục điều gì?
– Để thuyết phục người viết đã nêu ra những lí lẽ và bằng chứng cụ thể nào?
Trả lời:
– Văn bản viết về con người, tính cách, cuộc sống của nhà văn Nguyên Hồng
– Người viết muốn thuyết phục người đọc rằng Nguyên Hồng là một nhà văn của những người cùng khổ – những người dân sống cực khổ trong xã hội.
– Để thuyết phục người đọc, người viết đã đưa ra những lý lẽ, bằng chứng sau:
+ Nguyên Hồng rất dễ xúc động, rất dễ khóc
+ Lý do hình thành tính cách nhạy cảm, dễ khóc:
=> Từ nhỏ thiếu tình thương, mồ côi cha từ năm 12 tuổi.
=> Mẹ bị gia đình chồng khinh miệt, ruồng bỏ
=> Mẹ đi làm xa, Nguyên Hồng sống với bà cô cay nghiệt
+ Hoàn cảnh sống luôn thiếu thốn, đậm “chất dân nghèo, chất lao động”
=> Thiếu tình thương từ nhỏ nên dễ thông cảm với những người bất hạnh
=> Vừa học vừa làm mọi việc, kiếm sống bằng những “nghề nhỏ mọn”
=> Năm 16 tuổi rời quê hương đến thành phố Hải Phòng, ông sống cùng những “người dưới đáy của xã hội thành thị”.
1.2. Tìm hiểu về nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh
– Nguyễn Đăng Mạnh sinh năm 1930 tại Nam Định, nguyên quán tại Gia Lâm, Hà Nội
– Thiếu thời, ông theo học trường Chu Văn An, Hà Nội. Sau đó, ông theo học Trung cấp sư phạm ở Tuyên Quang và bước vào nghề giáo.
– Năm 1960 ông được giữ lại trường ĐH Sư phạm Hà Nội giảng dạy và trở thành nhà nghiên cứu phê bình.
– Ông được coi là nhà nghiên cứu đầu ngành về văn học Việt Nam hiện đại và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Ông là chủ biên SGK văn học lớp 11, 12 chương trình cải cách giáo dục 1980-1992.
2. Câu hỏi và trả lời phần Đọc hiểu – Soạn văn: Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ
- Câu hỏi trang 73 SGK: Ý chính của phần 1 là gì? Chú ý câu mở đầu và câu kết
Trả lời:
Ý chính của phần 1 nói về tính cách của nhà văn Nguyên Hồng: nhạy cảm, dễ xúc động và rất dễ khóc. Những lý lẽ, dẫn chứng điển hình như: khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí…, khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân…
- Câu hỏi trang 74 SGK: Phần 2 tập trung phân tích nội dung nào? Chú ý lý lẽ và bằng chứng trong phần 2.
Trả lời:
Phần 2 tập trung đi sâu phân tích hoàn cảnh gia đình của Nguyên Hồng, đưa ra lí lẽ dẫn chứng hình thành lên tính cách nhạy cảm, trái tim nhân ái, dễ xúc động của nhà văn. Nhà văn có một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, bất hạnh.
- Câu hỏi trang 74 SGK:
+ Các câu trong hồi kí của Nguyên Hồng là bằng chứng cho ý kiến nào?
+ Đoạn này làm rõ thêm điều gì ở nhà văn Nguyên Hồng?
Trả lời:
=> Soạn văn: Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ – Các câu trong hồi kí là bằng chứng cho ý kiến Nguyên Hồng có một tuổi thơ đầy thiếu thốn tình cảm, yêu thương. Ông xót thương, đồng cảm với những người nghèo khổ cơ cực. Những câu đó cũng là tiếng lòng, mong ước của tác giả khi nghĩ về tuổi thơ của mình.
=> Đoạn này làm rõ hoàn cảnh sống của ông cơ cực, bất hạnh, thiếu thốn không chỉ tinh thần, yêu thương gia đình, mà còn cả vật chất.
- Câu hỏi trang 75 SGK:
+ Điều gì làm nên sự khác biệt ở tác phẩm của Nguyên Hồng?
+ Câu nói của bà Nguyên Hồng làm sáng tỏ cho điều gì?
Trả lời:
=> Đó là “chất dân nghèo, chất lao động” đã ngấm vào trong văn chương của Nguyên Hồng vô cùng thật, sinh động. Ông đã đưa vào các tác phẩm của mình chính hoàn cảnh sống và khao khát của ông.
=> Câu nói của bà Nguyên Hồng chính là bằng chứng sinh động nhất về con người chân thật của ông, từ cách sinh hoạt, ăn mặc, nói năng, đều được thể hiện trong các tác phẩm.
3. Câu hỏi sau khi đọc xong như hình minh họa
– Câu hỏi 1 trang 75 SGK: Văn bản viết về vấn đề gì? Nội dung của bài viết có liên quan như thế nào với nhan đề Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ? Nếu được đặt nhan đề khác cho văn bản, em sẽ đặt là gì?
Trả lời:
+ Văn bản viết về nhà văn Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ.
+ Nội dung của bài viết liên quan chặt chẽ đến nhan đề. Phần nội dung, tác giả đã đưa ra các lí lẽ, bằng chứng rất thuyết phục để làm sáng tỏ nhan đề, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt và hiểu hơn về con người và hoàn cảnh tuổi thơ của nhà văn,
+ Tiêu đề được nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đặt đã rất sát, rất hay. Nếu em được đặt nhan đề khác cho văn bản, em sẽ đặt là: “Nguyên Hồng – nhà văn đậm chất dân nghèo, lao động” hay “Chất riêng trong văn Nguyên Hồng”.
– Câu hỏi 2 trang 75 SGK: Để thuyết phục người đọc rằng: Nguyên Hồng “rất dễ xúc động, rất dễ khóc”, tác giả đã nêu lên những bằng chứng nào (ví dụ: “khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt”;…)?
Trả lời: Tác giả đã đưa ra những bằng chứng sau để thuyết phục người đọc ở luận điểm Nguyên Hồng rất dễ xúc động, rất dễ khóc:
+ Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí chia ngọt sẻ bùi, khóc khi nghĩ đến đời sống khổ cực của nhân dân
+ Khóc khi nói đến công ơn của Tổ quốc, quê hương, của Đảng, Bác Hồ
+ Khóc khi kể lại khổ đau, oan trái của những nhân vật mà ông “hư cấu” nên trong các tác phẩm của mình
– Câu 3 SGK trang 75 SGK: Ý chính của phần 1 trong văn bản là: Nguyên Hồng “rất dễ xúc động, rất dễ khóc”. Theo em, ý chính của phần 2 và phần 3 là gì?
Trả lời:
+ Ý chính của phần 2: nói về tuổi thơ cơ cực, bất hạnh của Nguyên Hồng khi thiếu đi tình cảm gia đình, tình yêu thương của cha mẹ.
+ Ý chính của phần 3: cuộc sống của nhà văn cũng cơ cực, nghèo khổ về vật chất. Ông phải sống ở đầu đường xó chợ, làm đủ nghề, tiếp xúc với đủ loại người trong xã hội. Đây là lý do làm nên chất dân nghèo, chất lao động trong những tác phẩm của ông.
Câu 4 SGK trang 75 SGK: Văn bản trên cho em hiểu thêm gì về nội dung đoạn trích Trong lòng mẹ đã học ở Bài 3?
Trả lời:
+ Qua văn bản này, em hiểu thêm về tuổi thơ của nhà văn Nguyên Hồng thiếu thốn yêu thương, tình cảm, sự chăm sóc của cha mẹ như thế nào. Chính vì thế, ông luôn khao khát được mẹ âu yếm vuốt ve – điều này được thể hiện qua chính nhân vật cậu bé Hồng.
+ Hiểu về tuổi thơ của nhà văn, em càng thấm thía tác phẩm và đồng cảm với nhà văn hơn. Em cảm nhận rõ nét hơn những câu văn sinh động, chân thực sâu sắc được truyền tải trong đoạn trích Trong lòng mẹ.
Câu 5 SGK trang 75 SGK: Viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của em về nhà văn Nguyên Hồng, trong đó có sử dụng một trong các thành ngữ sau: chân lấm tay bùn, khố rách áo ôm, đầu đường xó chợ, tình sâu nghĩa nặng.
Trả lời:
Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ. Ông đại diện và nói lên tiếng nói của những người dân lao động nghèo khổ – những người có địa vị thấp kém trong xã hội. Chính bởi hoàn cảnh của ông khó khăn, thiếu thốn tình cảm gia đình nên đã tạo ra một nhà văn đậm “chất lao động, chất dân nghèo” như vậy. Các tác phẩm có thể kể tên như: Những người thơ ấu, Bỉ vỏ, Bảy Hựu… Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã cho em thấy tuổi thơ đầy bất hạnh, tổn thương, thiếu thốn của Nguyên Hồng. Nhà văn đã trải qua cuộc sống đầu đường xó chợ.