Bài mẫu phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến
Kháng chiến chống Pháp đã đi qua, nhưng qua những vần thơ, bài hát, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được một quá khứ đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Quang Dũng với tác phẩm “Tây Tiến” đã đưa vào văn chương kháng chiến một luồng gió mới. Thông qua việc phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến, ta sẽ thấy được hình ảnh quả cảm, đau thương nhưng đầy mộng mơ của những người lính tri thức bấy giờ.
- Khái quát tác giả, tác phẩm
Quang Dũng thuộc lớp nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Không chỉ viết thơ hay, ông còn được biết đến là một nghệ sĩ tài năng với khả năng viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tâm hồn nhà thơ vì thế cũng đầy mơ mộng. Cũng bởi thế mà thơ của ông phóng khoáng mà hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
Phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây tiến dể thấy Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, là là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhiều học sinh – sinh viên đã lên đường tham gia kháng chiến, phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào. Họ lên đường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong quá trình chuyển sang đơn vị khác, Quang Dũng đã nhớ về Tây Tiến và sáng tác nên bài thơ này. Bài thơ được in trong tập thơ “Mây đầu ô” năm 1986. Ban đầu, bài thơ có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến”, sau đó được đổi thành “Tây Tiến”. Việc bỏ từ “nhớ” đã giúp cho tâm tư, tình cảm của Quang Dũng trở nên kín đáo hơn.
- Luận điểm 1: Ký ức về núi rừng Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến
Mở đầu bài thơ, Quang Dũng đã tập trung khắc hoạ lại núi rừng Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến. Điều đặc biệt là khung cảnh ấy hiện về trong ký ức của người lính trẻ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Qua hồi ức của tác giả, hình ảnh “Sông Mã”, “Tây Tiến” giờ đây đều như trở thành những người thân thương ruột thịt. Mà với nơi đây, Quang Dũng dành trọn vẹn tình cảm nhớ thương của mình. Cụm từ “nhớ chơi vơi” gợi tả một nỗi nhớ rất lạ lùng. Đó là nỗi nhớ của những người lính đến từ phố thị xa hoa, nỗi nhớ làm tim như chững lại, chới với, không có điểm dừng. Nỗi nhớ ấy, vừa nhẹ nhàng, lại vừa mãnh liệt đến lạ. Dường như núi rừng Tây Bắc đã khắc sâu vào tâm hồn những người lính trẻ biết bao điều. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời, và hơn cả, đó cũng là nỗi trống trải, lạc lõng, đậm nỗi nhớ và nỗi buồn man mác trong lòng thi sĩ Quang Dũng.
- Luận điểm 2: Hình ảnh núi rừng Tây Bắc và con đường hành quân gian khổ của những người lính
Sau hai câu thơ đầu miêu tả nỗi nhớ, hình ảnh núi rừng Tây Bắc và con đường hành quân gian khổ của những người lính được miêu tả rõ nét. Qua ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, không gian hiện lên đầy chất thơ:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
“Sài Khao”, “Mường Lát” đều là những địa danh gợi nhắc về địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến. Nó càng làm nhân lên nỗi nhớ “chơi vơi” của tác giả với hình ảnh “sông Mã” ở đầu. Thế nhưng đến đây, không gian đã được mở rộng hơn, với nhiều chi tiết khơi gợi kỉ niệm hơn. Vùng núi Sài Khao sương giăng kín lối, dường như chôn lấp đi hình ảnh “đoàn quân mỏi” sau chặng đường dài. Cùng với sự “mỏi” sau chặng hành quân, ngọn đuốc hoa bập bùng trong đêm tối đều là những kỉ niệm khơi gợi và chứng minh nỗi nhớ vô cùng của tác giả. Quang Dũng đã sử dụng động từ “hoa về” thay vì “hoa nở”, “đêm hơi” chứ không phải “đêm sương”. Cách kết hợp từ này gợi tả không gian đầy trữ tình, huyền ảo, lung linh như không có thực. Giờ đây, nỗi nhớ của nhà thơ như dàn trải khắp không gian rộng lớn. Mỗi nơi mà nơi bước chân người lính đã đi qua, họ đều dành những tình cảm yêu thương đặc biệt, khiến chúng trở thành những kỷ niệm khắc sâu trong lòng mãi mãi không thể quên.
Tiếp theo những vẫn thơ trữ tình, Quang Dũng lại sử dụng các câu thơ mạnh hơn, gợi lên sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc. Qua đó cho thấy sự vất vả, khó khăn và những nỗ lực kiên cường của người lính khi hành quân chiến đấu:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.”
Sử dụng câu thơ toàn thanh trắc, tác giả đã gợi ra một địa hình vô cùng hiểm trở. Cùng với các từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, cái vất vả, khổ cực lại càng được nhân lên. Thế nhưng vượt lên cái khó khăn ấy, người lính vẫn luôn mang một tâm hồn lãng mạn. Hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời” hiện lên vô cùng thú vị. Nó đã thể hiện một tâm hồn lãng mạn, hồn nhiên và rất đỗi hài hước của người lính chiến trong hoàn cảnh chiến đấu nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại gợi ra vẻ đẹp của sự sống, sự thi vị lãng mạn giữa núi rừng hoang vu. Sử dụng thanh bằng cùng hình ảnh “mưa xa khơi”, Quang Dũng gợi lên sự bình yên, ấm áp. Đây chính là chốn dừng chân cho người lính sau những ngày hành quân vất vả, khổ cực.
- Luận điểm 3: Hình ảnh người lính và kỉ niệm tình quân dân
Sau những vần thơ tả cảnh, Quang Dũng viết lên những câu thơ đặc tả người lính, ám ảnh và khắc sâu vào tâm trí độc giả:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.”
Chỉ với hai câu thơ, tác giả đã lột tả được cái khắc nghiệt của chiến tranh, và cũng trân trọng sự hy sinh cao cả của người lính chiến. Họ đã ra đi, trong tư thế hiên ngang, oai hùng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Chỉ là “bỏ quên đời” thôi, ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, “không bước nữa”, chứ không hề nuối tiếc điều gì. Họ đã chiến đấu và hi sinh trong tư thế ngẩng cao của nòng súng, rồi trở về với đất Mẹ thiêng liêng lại rất đỗi bình thản.
Chứng kiến những người đồng đội chiến đấu, rồi ngã xuống, Quang Dũng không khỏi xót xa. Ông thương cảm nhưng cũng khâm phục tinh thần hi sinh của những con người dũng cảm ấy:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
Câu thơ đặc tả vẻ oai linh, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với kết cấu thơ tân kỳ và các động từ mạnh “gầm”, “trêu”,… đã làm nổi bật sự nguy hiểm tột độ. Đó là cái nguy hiểm luôn rình rập nơi rừng thiêng nước độc của ác thú, của thiên nhiên với thác xối, núi nhọn. Để rồi cuối cùng, nhà thơ như bừng tỉnh khỏi những kỉ niệm của mình. Những hồi ức đó, ngỡ như đang được sống lại, thì vỡ vụn với nỗi nhớ da diết, nồng nàn “cơm lên khói” “thơm nếp xôi”. Tình quân dân tha thiết, ấm nồng với hương lửa, nắm xôi, những ngày còn chiến đấu cứ ám ảnh mãi không thôi. Sau tất cả, con người và tình cảm quân dân luôn là nỗi nhớ đọng lại nơi người lính, là chút nương tựa của tâm hồn họ mỗi khi mỏi mệt, gian nan.
Kết bài
Chỉ với 14 câu thơ, Quang Dũng đã khắc hoạ được thiên nhiên Tây Bắc với đầy đủ sắc thái khác nhau. Từ đó làm nổi bật hình tượng người lính Tây Tiến nói riêng và những người lính trẻ nói chung. Họ sẵn sàng từ bỏ ánh điện phố thị, buông bút nơi giảng đường để cầm súng chiến đấu. Dù khó khăn, gian khổ chất chồng thì sự quyết tâm, tinh thần lạc quan và tâm hồn mơ mộng vẫn không hề vơi bớt.