Soạn cách làm bài văn biểu cảm trang 87-90 cần nắm được các kiến thức dưới đây.
I. ĐỀ VĂN BIỂU CẢM VÀ CÁC BƯỚC LÀM ĐỀ VĂN BIỂU CẢM
1. Soạn cách làm bài văn biểu cảm: Đề băn biểu cảm thường chỉ ra đối tượng biểu cảm và tình cảm cần biểu hiện. Hãy chỉ ra những nội dung đó trong các đề sau:
a) Cảm nghĩ về dòng sông (hoặc dãy núi, cánh đồng, vườn cây,…):
b) Cảm nghĩ về đêm trăng trung thu
c) Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ
d) Vui buồn tuổi thơ
e) Loài cây em yêu
Trả lời:
Thông thường, một đề văn biểu cảm thường có hai nội dung chính các em cần phải xác định, đó là đối tượng biểu cảm và tình cảm cần thể hiện. Hai nội dung này thể hiện trong các đề trên như sau:
a) Cảm nghĩ về dòng sông.
– Đối tượng biểu cảm là dòng sông (hoặc dãy núi, cánh đồng, vườn cây,…) quê hương mỗi người
– Tình cảm cần thể hiện ở đây là sự gắn bó, sự yêu quý hay kỉ niệm của em với dòng sông (hoặc cánh đồng, vườn cây, … ) đó.
b) Cảm nghĩ về đêm trăng trung thu.
– Đối tượng biểu cảm là hình ảnh vầng trăng trong đêm trung thu.
– Tình cảm thể hiện chính là niềm yêu tích, cảm tưởng của em về đêm trăng trung thu.
c) Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ
– Đối tượng biểu cảm là nụ cười của mẹ.
– Tình cảm ở đây là tình yêu thương, kính trọng dành cho mẹ
d) Vui buồn tuổi thơ.
– Đối tượng biểu cảm là những kỉ niệm ấu thơ
– Tình cảm ở đây là niềm hoài niệm về những kỉ niệm tuổi thơ của em bên gia đình, bạn bè.
e) Loài cây em yêu.
– Đối tượng biểu cảm là một loài cây bất kì mà em yêu thích
– Tình cảm thể hiện ở đây là niềm yêu thích dành cho loài cây đó cũng như việc chăm sóc nó.
2. Soạn cách làm bài văn biểu cảm – Các bước làm bài văn biểu cảm
Cho câu hỏi: Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ?
a) Tìm hiểu đề và tìm ý
b) Lập dàn bài
c) Viết bài
d) Đọc và sửa chữa
Trả lời:
Theo gợi ý trong SGK, các em có thể triển khai các yêu cầu trên như sau:
a) Tìm hiểu đề và tìm ý:
– Đối tượng phát biểu cảm nghĩ trong đề văn nêu ra là nụ cười của mẹ
– Các ý cần trình bày trong bài viết là những đặc điểm của nụ cười của mẹ và cảm xúc của em trước những nụ cười của mẹ:
+ Nụ cười yêu thương của mẹ đã đồng hành, khích lệ em mỗi ngày. Mẹ cười khi em chào đời, mẹ cười khi em chập chững những bước đi đầu tiên, khi em cất tiếng nói dầu tiên, khi em được điểm tốt…
+ Mẹ cười khi em làm việc tốt, khi mẹ hạnh phúc
+ Nhưng cũng có khi mẹ không cười. Đó là khi em làm mẹ buồn, lúc mẹ ốm, lúc mẹ có điều phải lo lắng.
– Em thích mẹ cười. Vì vậy để có được nụ cười của mẹ, em luôn cố gắng học tập, luôn chăm ngoan để mẹ thấy vui lòng. Những khi mẹ ốm em cũng học cách chăm xóc mẹ.
– Nụ cười có của mẹ luôn khiến em thấy vui vẻ, hạnh phúc, ấm áp và tin yêu cuộc sống.
b) Lập dàn bài
* Mở bài: Nêu khái quát về cảm xúc và suy nghĩ của em về nụ cười của mẹ.
* Thân bài:
– Miêu tả về nụ cười của mẹ: Khi mẹ cười thì đôi mắt nheo lại. Còn những lúc mẹ mỉm cười, ánh mắt cũng ánh lên niềm vui, sự dịu dàng.
– Trong ký ức của em, khi em chập chững những bước đi đầu tiên, khi em bập bẹ những tiếng gọi mẹ, gọi bố đầu tiên mẹ đều cười. Khi mẹ dắt tay em tới trường, những khi làm được một việc tốt dù nhỏ xíu, mẹ cũng đều cười đầy yêu thương, khích lệ.
– Cảm xúc của em mỗi khi nhìn thấy nụ cười của mẹ
– Nhưng không phải lúc nào mẹ cũng cười. Khi ẹm buồn, mẹ ốm, trông mẹ thiếu sức sống, khuôn mặt tái nhợt, ánh mắt phảng phất nỗi lo lắng mơ hồ.
– Em luôn cố gắng làm những điều tốt, luôn chăm ngoan để được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, niềm vui của mẹ.
* Kết bài: Khẳng định nụ cười của mẹ có ý nghĩa thế nào đối với cuộc sống của em.
c) Viết bài
Bài viết gợi ý:
Em rất yêu nụ cười của mẹ. Mỗi lần nhìn thấy mẹ cười em luôn thấy vui vẻ, hạnh phúc và thêm tin yêu vào cuộc sống.
Điều khắc sâu trong tâm trí em là nụ cười của mẹ. Và mỗi khi em nhớ về mẹ, điều em nhớ nhất chính là nụ cười. Em nhớ khi mẹ cười, đôi mắt mẹ nheo lại. Còn khi mẹ mỉm cười thì trông mẹ rất dịu dàng, ánh mắt cũng sáng lên niềm vui.
Trong ký ức tuổi thơ em, khi em chập chững tập đi những bước đầu tiên, mẹ đứng phía trước và mỉm cười vẫy tay với em. Khi em gọi mẹ, gọi ba những tiếng đầu tiên, mẹ cười mà mắt long lanh nước. Và em cảm nhận rõ niềm hạnh phúc của mẹ đằng sau nụ cười rạng rỡ trong lần đầu tiên đưa em tới trường trong ngày em bước vào lớp 1. Mỗi khi em giành được điểm tốt, mỗi khi em được cô khen vì giúp đỡ bạn bè, giúp đỡ người già, mẹ mỉm cười dịu dàng vừa xoa đầu, ôm em vào lòng. Nhưng khi em chưa hiểu bài bị điểm kém, mẹ sẽ cười và động viên em cố gắng. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của mẹ em thấy rất ấm áp. Khi em ốm, em được mẹ chăm sóc và kể những câu chuyện vui, chọc cho em cười và khi em cười mẹ cũng cười theo. Những lúc như vậy, em rất cảm động mà ôm trầm lấy mẹ.
Nhưng không phải lúc nào mẹ cũng cười. Những khi mẹ ốm, khuôn mặt nhợt nhạt, thiếu sức sống, dù muốn mỉm cười động viên em, nhưng em biết mẹ đang rất mệt mỏi. Những khi em nghịch nghợm, trêu bạn làm bạn khóc, em thấy rõ nỗi buồn trên khuôn mặt mẹ. Hồi bà ngoại mất, suốt một tuần em không được nhìn thấy mẹ cười, dù chỉ là mỉm cười. Những lúc như vậy em rất buồn và trống vắng trong lòng.
Vì em rất yêu nụ cười của mẹ, nên em luôn cố gắng làm những điều khiến mẹ vui. Đó là học tập thật tốt, chăm ngoan, luôn giúp đỡ mọi người khi có thể. Bởi mẹ là người em yêu thương nhất, kính trọng nhất, người cho em động lực to lớn để học tập và trở thành người có ích cho xã hội. Như câu hát: “Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi/Và mẹ em chỉ có một trên đời’’, với em, mẹ là người người duy nhất không thể thay thế.
d) Soạn cách làm bài văn biểu cảm – Sửa bài
Sau khi viết bài xong, em cần đọc lại và sửa lại câu chữ, bỏ bớt những ý thừa và thêm những ý còn thiếu. Như vậy bài văn sẽ đạt điểm tốt hơn.
II. LUYỆN TẬP
Câu hỏi:
a) Bài văn biểu đạt tình cảm gì, đối với đối tượng nào? Hãy đặt cho bài văn một nhan đề và một đề văn thích hợp.
b) Hãy nêu lên dàn ý của bài
c) Chỉ ra phương thức biểu cảm của bài văn
Trả lời:
a) Bài văn thể hiện tình yêu của người viết đối với quê hương An Giang của mình. Với bài văn này, em có thể đặt nhan đề: An Giang yêu dấu của tôi.
b) Dàn ý của bài: Bài văn trên có dàn ý 3 phần
– Mở bài: Giới thiệu khái quát về tình yêu của tác giả đối với quê hương An Giang.
– Thân bài: Tác giả nêu ra những chi tiết thể hiện cho tình yêu quê hương An Giang của mình. Đó là:
+ Những kỉ niệm tuổi thơ.
+ Tình yêu quê hương An Giang trong quá khứ của chiến tranh khổ ải và tình yêu, sự kính trọng những người con anh hùng của quê hương.
– Kết bài: Một lần nữa khẳng định về thể hiện khái quát tình yêu thắm thiết đối với quê hương, tình yêu của người con xa quê khi đã trưởng thành.
c) Phương thức biểu cảm của bài văn:
Trong bài văn này, tác giả trực tiếp bộc lộ tình yêu của mình dành cho quê hương, thể hiện ở việc tác giả miêu tả phong cảnh quê hương cũng như nhắc nhớ về truyền thống chiến đấu của quê hương anh hùng.
Với bài soạn cách làm bài văn biểu cảm trên đây, hy vọng rằng các em sẽ nắm được các kiến thức quan trọng về văn biểu cảm và chuẩn bị tốt nhất trước khi lên lớp.