Mở bài
Tình quân dân thắm đượm luôn là đề tài được khai thác triệt để trong thơ văn kháng chiến. Tố Hữu với tác phẩm “Việt Bắc” đã góp mình vào dòng chảy không ngừng ấy của văn chương dân tộc. Thông qua việc phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, ta sẽ thấy được tình cảm quân dân khăng khít, đồng thời cho thấy tài năng độc đáo, tài hoa của tác giả.
Thân bài phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
- Khái quát tác giả, tác phẩm
Tố Hữu là lứa nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến. Chính vì vậy, thơ của ông luôn bắt nhịp với dòng chảy của thời gian, lịch sử, ghi lại dấu ấn của từng thời kì gian lao nhưng rất đỗi anh hùng. Thơ Tố Hữu giản dị, mộc mạc, mang đậm chất liệu dân gian, đặc biệt là việc sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát truyền thống. Vì vậy nên có khả năng lan truyền, đến gần với nhân dân.
“Việt Bắc” được sáng tác năm 1945, khắc hoạ lại sự kiện cán bộ, chiến sĩ rời căn cứ địa Việt Bắc, trở lại Thủ đô. Phút chia tay, ai nấy đều bịn rịn, không nỡ, bởi những tình cảm đã dành cho nhau suốt chặng đường dài. Việt Bắc được xem là cái nôi của Cách mạng Việt Nam thời kì tiền khởi nghĩa. Đây cũng là là cơ quan đầu não của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ. Vì vậy, có rất nhiều kỉ niệm giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào nơi đây được lưu giữ, khiến người đi kẻ ở lưu luyến mãi không thôi.
- Luận điểm 1: Lời của người ở lại
Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu trước tiên, Tố Hữu đã miêu tả lời của người ở lại, là những người dân Việt Bắc đã nuôi giấu, yêu thương cán bộ chiến sĩ trong suốt thời kì kháng chiến. Trong đó, tám câu thơ đầu là tâm trạng lưu luyến bịn rịn của nhân dân trong buổi chia tay:
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”
Ở đây, Tố Hữu đã sử dụng thủ pháp điệp cấu trúc “mình về mình có nhớ” như một lời ướm hỏi, khơi gợi lại kỉ niệm sâu sắc. Đó là kỉ niệm không thể quên về thiên nhiên Việt Bắc nghĩa tình, về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” của quân và dân ta. Cách xưng hô “mình – ta” khiến câu thơ như những lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau. Vì vậy đã khiến cuộc chia tay trở nên giản dị mà thân mật, như những người yêu, người thân tâm tình, thủ thỉ với nhau. Cách xưng hô ấy còn gợi nhớ đến những câu đối đáp trong điệu hát giao duyên của người Việt. Nó đã khiến những câu thơ viết về Cách mạng, về kháng chiến nhưng lại không hề khô khan. Ngược lại lời thơ còn vô cùng đằm thắm, sâu lắng, nhiều xúc cảm.
Bốn câu thơ tiếp theo khắc hoạ lại nỗi lòng lưu luyến của cả người ở lại và ra đi. Sự lưu luyến ấy được thể hiện qua những từ ngữ diễn tả tâm trạng trực tiếp của kẻ ở, người đi: “da diết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn”. Qua ngòi bút tài hoa của tác giả, không khí buổi chia tay được miêu tả hiện lên thân tình, gần gũi với những tấm “áo chàm” và hành động “cầm tay nhau”.
Sau đó, tác giả đã khắc hoạ lời nhắn nhủ của người ở lại qua việc sử dụng điệp từ “nhớ”trong những câu thơ tiếp theo:
“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”
Người ở lại muốn hỏi rằng, khi về xuôi, liệu cán bộ, chiến sĩ có nhớ đến “mưa nguồn”, “suối lũ”, “mây mù”, “trám bùi”, “măng mai”? Có nhớ đến thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc trong những ngày kháng chiến hay không? Điệp từ “mình về”, “nhớ” liên tiếp thể hiện nỗi trăn trở của người ở lại. Không biết rằng về với điện đèn phố thị, người có nhớ đến những ân tình trong khó khăn gian khổ ngày xưa ấy với “miếng cơm chấm muối” nhưng vẫn “đậm đà lòng son” của nhân dân Việt Bắc.
Không chỉ thế, người ở lại còn tự hỏi, không biết quãng thời gian hoạt động Cách mạng có khắc sâu trong lòng cán bộ, chiến sĩ không. Hình ảnh “kháng Nhật”, “Việt Minh”, “Tân Trào”, “Hồng Thái”, … gợi nhắc tới quá khứ cụ thể, gian lao nhưng đầy nghĩa tình.
- Luận điểm 2: Lời của người ra đi
Thay mặt cho cán bộ, chiến sĩ về xuôi, Tố Hữu cũng khẳng định nghĩa tình thủy chung, sắt son của người ra đi:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…”
Câu thơ “ta với mình, mình với ta” đơn giản nhưng đã thể hiện rõ rệt sự gắn bó, thấu hiểu nhau giữa người đi và kẻ ở. Cả hai như đã hòa làm một, đều đau đáu trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi. Ở đây, người đi đã bày tỏ chân thành nỗi nhớ của mình. Đó là nỗi nhớ thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, nghĩa tình:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.”
Các hình ảnh “trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”, “bản khói cùng sương”, “rừng nứa bờ tre”, đã cụ thể hoá nỗi nhớ da diết của người ra đi. Đó là nỗi nhớ như “nhớ người yêu”, mãnh liệt và luôn thường trực trong lòng mỗi người… Qua ngòi bút của Tố Hữu, thiên nhiên đất trời Việt Bắc qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, qua mỗi trận đánh khốc liệt, đều mang nét đẹp hồn hậu, tươi sáng, như cũng có tình cảm.
Không chỉ nhớ thiên nhiên, người ra đi còn đau đáu nỗi nhớ con người Việt Bắc:
“Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”
Đó là những con người dù ở trong hoàn cảnh éo le, đầy vất vả, khổ đau nhưng vẫn luôn giữ tấm lòng thủy chung. Cán bộ và nhân dân đã cùng chia sẻ mọi “đắng cay ngọt bùi” trong kháng chiến. Họ chia nhau từng “củ sắn lùi”, “bát cơm”, “chăn sui đắp cùng”. Khó khăn là thế, nhưng chỉ cần có nhau, cùng nhau san sẻ và gánh vác.
Tác giả cũng khắc hoạ nỗi nhớ kỉ niệm giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào Việt Bắc ấm áp, thân tình:
“Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”
Những “lớp học i tờ”, “giờ liên hoan”, “ca vang”,… là những kỉ niệm tươi đẹp không thể quên được. Những “người mẹ”, “cô em gái” giản dị, mộc mạc, cùng với lời ca, tiếng hát đã in sâu trong trái tim và khối óc của người ra đi.
Ngoài ra, người ra đi còn nhớ đến kỉ niệm quân và dân cùng đoàn kết đánh giặc: “ta cùng đánh Tây”. Khi đó, “cả chiến khu một lòng”, không một giây phút lung lay ý chí. Khí thế hào hùng của quân dân ta trong các trận đánh cũng được miêu tả rõ nét:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.”
Hình ảnh đoàn quân quân “điệp điệp trùng trùng”, “rầm rập như là đất rung”, “dân công đỏ đuốc từng đoàn”, … đã khắc hoạ lên cả một thời oanh liệt của dân tộc. Ở đó, con người như có sức mạnh siêu nhiên, sẵn sàng đứng lên và chiến đấu. Để rồi sau cùng, niềm vui thắng trận đã đến với “trăm miền”, đưa đất nước sang một trang sử mới.
- Luận điểm 3: Niềm tự hào, niềm tin gửi gắm Việt Bắc Cách mạng
Sau những nỗi nhớ, Tố Hữu đã bày tỏ niềm tự hào, niềm tin vào tương lai với Việt Bắc anh dũng:
“Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy, ai quên
Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.”
Người ra đi mãi mãi nhớ về hình ảnh tươi sáng nơi nguồn cội của cuộc Cách mạng. Ở đó, những “ngọn cờ đỏ thắm”, “rực rỡ sao vàng”, có “trung ương Đảng”, có chính phủ và có “Bác Hồ” luôn tồn tại trong trái tim và khối óc của mỗi người. Những câu thơ giờ đây mang giọng điệu tin tưởng, lạc quan, thể hiện niềm tin vào sức mạnh, khả năng lãnh đạo của Đảng trong các cuộc cách mạng phía trước. Đó cũng là niềm tự hào của tác giả bởi những chiến công Việt Bắc mà quân và dân ta đã giành được bằng máu và nước mắt.
Kết bài
“Việt Bắc” đã trở thành bài thơ bất hủ về tình quân dân ta trong cuộc kháng chiến gian khổ. Đó cũng là lời ngợi ca thiên nhiên, con người đã trải qua quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.