1. ĐỊNH HƯỚNG
a, Kể lại trải nghiệm đáng nhớ của bản thân là gì?
Theo SGK Ngữ Văn 6 Tập 2 Cánh diều: “Kể lại một trải nghiệm là trình bày bằng lời nói về một trải nghiệm của bản thân, có thể là sự việc hoặc hoạt động, … mà người kể đã trực tiếp trải qua và có được những kinh nghiệm hoặc bài học nào đó”.
b, Các em cần chú ý khi kể lại một trải nghiệm đáng nhớ
– Chuẩn bị: Lập dàn ý cho hoạt động trải nghiệm. Bao gồm các ý và sắp xếp các ý vào các mục như mở đầu, thân và kết thúc.
– Thực hiện hoạt động kể lại: trình bày trước lớp
– Xây dựng nội dung kể lưu loát, tránh mắc các lỗi thường gặp khi kể chuyện. Tránh bị lặp ý, ngắt ý bằng lời nói, tâm lý vững vàng, không run trước đám đông.
2. THỰC HÀNH
Bài tập: “Hãy kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em.”
a, Chuẩn bị
– Em hãy xem lại nội dung của phần “Viết” trang 22
– Bổ sung thêm các từ nối câu, dẫn dắt câu chuyện, chào hỏi để bài nói của em đạt hiệu quả tốt nhất
– Hãy chuẩn bị một tâm thế thật vững vàng, sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện câu chuyện. Có thể dùng tay, dùng ánh mắt, dùng ngữ điệu trong giọng nói… để tái hiện lại sự việc
b, Tìm ý và lập dàn ý cho trải nghiệm đáng nhớ
Hãy sử dụng ý và dàn ý trang 22 để tiếp tục triển khai bài tập
Gợi ý “tìm ý và lập dàn ý”
-
Tìm ý:
– Chuyến đi diễn ra trong hoàn cảnh nào?
Em đã có 1 chuyến đi cùng ông nội đến địa đạo Củ Chi. Ông là một thành viên trong Hội Cựu Chiến Binh của xã. Cũng là anh hùng tham gia chiến trận ngày xưa.
– Em đã gặp gỡ những ai trong chuyến đi ấy?
Những người cùng chuyến đi là các ông, các bà là TNXP trong hội Cựu Chiến Binh của xã
Cô hướng dẫn viên du lịch tại điểm đến Địa đạo Củ Chi
– Điều làm em ấn tượng nhất là gì?
Là đường hầm với nhiều lối đi nằm sâu trong lòng đất
Là những giọt nước mắt xúc động của ông khi nhớ lại một thời chiến tranh đầy gian khó
-
Lập dàn ý:
Mở đầu
Xin chào các bạn!…
Chuyến đi ấn tượng nhất với em là chuyến đi thăm “Địa đạo Củ Chi” cùng Hội Cựu Chiến Binh với ông Nội
Thân bài:
– Lý do có chuyến đi:
Đó là thời điểm chuẩn bị kỉ niệm 27/7 ngày thương binh liệt sĩ. UBND xã đã tổ chức cho Hội Cựu Chiến Binh thăm lại chiến trường xưa. Trong đoàn cũng có nhiều bạn học sinh như em được đi cùng ông nội/ ngoại.
– Hành trình chuyến đi:
+ Xe khởi hành từ rất sớm lúc 4h sáng
+ Trên đường đi, các ông thường hát các bài hát hành quân ngày xưa. Cùng ôn lại kỉ niệm cũ ở chiến trường, nhớ về đồng đội đã hi sinh
+ Xe đi 2 ngày đường mới tới nơi
– Kể lại sự việc đáng nhớ:
+ Bước xuống xe là 1 chân trời mới, quang cảnh mới, thời tiết khá nóng
+ Em được đi thăm nhiều nơi như đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ
+ Em ấn tượng nhất là Địa đạo Củ Chi. Dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch, em được nghe tường thuật về các sự kiện năm đó…
+ Em thấy ông nội rưng rưng nước mắt khi bước những bước chân chậm rãi…
Kết thúc:
Em rút ra được điều gì?
Em thấy trân trọng và biết ơn những anh hùng liệt sĩ
c, Nói và nghe về trải nghiệm đáng nhớ
Bài mẫu
Xin chào các bạn! Tôi là An, tôi học lớp 6A1. Hôm nay, tôi rất vinh dự được đứng trước lớp để kể về 1 trải nghiệm đáng nhớ của mình. Tôi nhớ, năm đó tôi học lớp 4, được ông Nội cho đi thăm chiến trường xưa cùng Hội Cựu Chiến Binh của ông.
Địa danh tôi đến là Địa đạo Củ Chi tại TP Hồ Chí Minh. Đây là chuyến đi được xã nhà tổ chức nhân dịp hướng tới kỷ niệm ngày Thương Binh Liệt Sĩ (27/7). Đây là chuyến đi nhớ nhất mà không bao giờ tôi quên. Trong đoàn cũng có nhiều bạn học sinh như tôi.
Chuyến đi bắt đầu từ rất sớm, 4h sáng cả đoàn đã có mặt trên xe để xuất phát. Hành trình đi khá xa, mất gần 2 ngày mới tới nơi. Trên đường đi, tôi được nghe các ông kể về kỉ niệm ngày xưa. Nghe những khúc hát hành quân và tiếng cười nói của các ông. Trên chuyến xe ấy, tôi được nghe rất nhiều về lịch sử, về anh hùng. Ví dụ: anh hùng Nguyễn Viết Xuân, Võ Thị Sáu… họ đều là những người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Một tình yêu dân tộc và lòng biết ơn đã trỗi dậy trong lòng tôi.
Cả đoàn qua rất nhiều nơi khác nhau như: đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ… Điều ấn tượng nhất với tôi là địa đạo Củ Chi, đây cũng là điểm đến cuối cùng của đoàn. Tại đây, hướng dẫn viên du lịch đã đưa đoàn xuống hầm, tường thuật lại các sự kiện lịch sử. Tôi thấy ông nội rưng rưng nước mắt, bước chậm rãi và sờ vào bức vách dưới hầm. Có thể ông nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ biết kìm nén, nuốt nước mắt vào trong.
Ông nói với tôi, đồng đội của ông hy sinh rất nhiều. Đa số họ là những người rất trẻ, chưa có gia đình nhưng họ đã hi sinh vì dân tộc, vì độc lập tự do. Các con, các cháu thế hệ sau này cần phải biết ơn những vị anh hùng đó.
Sau chuyến đi, tôi thật sự xúc động và trằn trọc suy nghĩ, càng thêm yêu dân tộc Việt Nam hơn. Càng biết ơn sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ. Tôi hi vọng, tôi và các bạn sẽ trân trọng lịch sử, trân trọng xương máu của những người đã hy sinh vì dân tộc. Để chúng ta được sống trong hòa bình và ấm no như ngày hôm nay.
Tôi xin hết và trân trọng cảm ơn các bạn đã lắng nghe!
d, Kiểm tra và chỉnh sửa
Người kể: Kiểm tra xem đã đủ các ý trong dàn ý chưa, điệu bộ kể như thế nào? đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa…
Người lắng nghe: đánh giá về câu chuyện, về nội dung, về tình cảm có xúc động hay không?…