I, YÊU CẦU CẦN ĐẠT

Để soạn bài Kiến thức Ngữ văn 6 trang 89 – 90 tốt nhất, em cần đạt được các yêu cầu sau:

– Nhận biết được một số yếu tố Hình thức như nhan đề, tiêu đề phụ, phần giới thiệu, phần tóm tắt nội dung, hình ảnh, cách triển khai.

– Nhận biết được một số yếu tố nội dung như đề tài, chủ đề, ý nghĩa… của văn bản thông tin thuật lại một sự kiện, triển khai thông tin theo trật tự thời gian.

– Biết cách mở rộng vị ngữ trong văn nói và văn viết.

– Bước đầu viết được một văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện.

– Trao đổi, thảo luận với nhau về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử.

– Có tinh thần tự hào về lịch sử của dân tộc và quan tâm đến những sự kiện nổi bật của địa phương nơi mình đang sinh sống nói riêng, đất nước và thế giới nói chung.

II, KIẾN THỨC NGỮ VĂN

  1. Văn bản thông tin

+ Nêu khái niệm về văn bản thông tin?

– Văn bản thông tin là văn bản chủ yếu dùng để cung cấp thông tin về các hiện tượng tự nhiên, thuật lại các sự kiện, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, hướng dẫn các quy trình thực hiện một công việc nào đó,…Văn bản thông tin thường được trình bày bằng chữ viết kết hợp với các phương thức khác như hình ảnh, âm thanh,…

+ Văn bản thuật lại một sự kiện là gì?

– Văn bản thuật lại một sự kiện là loại văn bản thông tin, ở đó người viết thuyết minh (trình bày, miêu tả, kể lại) một sự kiện (lịch sử, văn hoá, khoa học,…).

+ Những thông tin và hình ảnh được sử dụng trong văn bản thuật lại một sự kiện là gì?

– Trong văn bản, người viết thường sử dụng hình ảnh và nhiều câu trần thuật với trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn; thông tin thường được trình bày theo trật tự thời gian hoặc mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.

– Trong văn bản thuật lại một sự kiện theo trật tự thời gian, người viết thường sắp xếp các thông tin về sự kiện xảy ra theo thứ tự từ trước đến sau, từ mở đầu đến diễn biến và kết thúc,…

VD: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Trích: “Tôi đi học” – Thanh Tịnh.

– Hình ảnh: Lá ngoài đường rụng, đám mây trên không, cành hoa tươi, mấy em nhỏ, nón mẹ, sương thu, gió lạnh, con đường…

– Nơi chốn: trên con đường làng dài và hẹp.

– Trạng từ chỉ thời gian: Hằng năm cứ vào cuối thu, buổi sớm mai hôm ấy…

Tác giả sử dụng rất nhiều hình ảnh, và câu trần thuật mở đầu bằng thời gian và không gian để nói về diễn biến tâm trạng trong lòng tác giả nhân sự kiện quan trọng trong đời của tác giả là “ngày đầu tiên đi học”.

  1. Mở rộng vị ngữ

+ Vị ngữ là gì?

– Vị ngữ là một trong hai thành phần chính của câu, chỉ hoạt động, trạng thái, đặc điểm của sự vật, hiện tượng nêu ở chủ ngữ.

+ Biểu hiện của vị ngữ là gì?

– Vị ngữ thường được biểu hiện bằng động từ, tính từ và trả lời cho các câu hỏi Làm gì?, Làm sao?, Như thế nào? hoặc Là gì?. Câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ.

+ Nêu tác dụng của việc mở rộng vị ngữ ?

– Để phản ánh đầy đủ hiện thực khách quan và biểu thị tình cảm, thái độ của người viết (người nói), vị ngữ thường được mở rộng thành cụm từ (động từ, tính từ làm vị ngữ mở rộng thành cụm đồng từ, cụm tính từ).

VD: Thánh Gióng nhổ bụi tre ở ven đường đánh tan quân giặc.