Chí Phèo là tác phẩm khá nổi tiếng trong văn học Việt Nam. Không chỉ mang nội dung sâu sắc mà truyện còn để lại rất nhiều ý nghĩa thực tế. Bên cạnh nhân vật chính là Chí Phèo thì hình tượng Thị Nở cũng được nhà văn miêu tả khá rõ nét. Hãy cùng phân tích nhân vật Thị Nở để hiểu rõ hơn khía cạnh khác của con người ở xã hội lúc bấy giờ.
Đôi nét về tác giả và tác phẩm Chí Phèo
Nam Cao có tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh ra ở tỉnh Hà Nam trong gia đình trung nông. Vì được học hành tử tế nên ông đã theo con đường dạy học và viết văn. Cuộc đời của Nam Cao đã trải qua nhiều ngày chật vật vì miếng cơm. Thế nhưng, ông vẫn nhiệt tình tham gia kháng chiến. Rất nhiều tác phẩm văn học của ông được sáng tác trong thời kỳ này.
Hầu hết những tác phẩm của ông đều đề cập đến người nông dân và người tri thức nghèo. Tiêu biểu về người nông dân của Chí Phèo. Đây là truyện thành công khiến tên tuổi của ông được nhiều người biết đến. Nổi bật song song cùng hình ảnh nhân vật Chí Phèo đó chính là Thị Nở.
Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm
Có thể nói, sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở chính là yếu tố góp phần làm gia tăng bi kịch cuộc đời của Chí Phèo. Qua đó, mỗi người sẽ thấu hiểu hơn về hiện thực lúc bấy giờ và những gì mà con người phải chịu đựng.
- Luận điểm 1: Ngoại hình được miêu tả một cách trần trụi
Thông qua bút pháp tả thực, nhà văn Nam Cao đã miêu tả Thị Nở với cụm từ “xấu ma chê quỷ hờn”. Có lẽ đọc đến đây, ai ai cũng mường tượng được nhan sắc của Thị. Cái mũi thì ngắn, to lại vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh như muốn chen lẫn nhau. Cái môi cùng cố to để không thua cái mũi. Ngũ quan của Thị được miêu tả vô cùng khác người.
Đã thế, Thị lại còn ăn trầu khiến cho môi dày hơn. Cái răng thì rất to mà còn lại chìa ra. Không chỉ xấu xí, Thị còn sống trong gia đình mả hủi. Điều này đã khiến cho Thị khó có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình. Tất cả mọi thứ xấu xí nhất như đổ dồn vào mình Thị và kéo theo sự bất hạnh về cuộc đời.
- Luận điểm 2: Thị có tình người và những phẩm chất tốt đẹp
Tác giả miêu tả cái xấu của Thị như chuẩn mực không ai có thể qua mặt. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau đó là vẻ đẹp tâm hồn. Chỉ có qua những hành động toát lên, chúng ta dường như mới cảm nhận được điều đó.
Thị Nở gặp Chí Phèo ở bờ sông một cách rất tình cờ. Chính sự gặp gỡ này đã mở ra cho Thị một cơ hội tìm đến hạnh phúc. Hai con người bị hắt hủi trong cái xã hội đấy được dịp tìm thấy nhau. Vì tình thương người ẩn chứa bên trong nên Thị đã dìu Chí về lều và đắp manh chiếu cho khỏi lạnh. Nếu là người khác có lẽ họ sẽ mặc kệ Chí. Thế nhưng, Thị lại đối xử với Chí hoàn toàn khác. Cử chỉ mặc dù không quá lớn nhưng lại mang đến sự ấm áp lạ thường. Trở về nhà nhưng Thị vẫn luôn quan tâm, lo lắng cho Chí Phèo: Mình mà bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng. Đêm qua thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà…”.
Bởi vì ý thức được trách nhiệm, Thị đã nấu cháo hành và mang đến cho Chí. Giọng nói của người đàn bà ấy nhẹ nhàng kèm theo sự yêu thương chính là yếu tố khiến cho Chí Phèo thức tỉnh bản chất lương thiện. Nụ cười của Thị Nở có lẽ đối với người khác là xấu xí nhưng với Chí thì duyên đến lạ. Tình yêu giữa hai con người đã khiến cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
- Luận điểm 3: Thị Nở khao khát hạnh phúc gia đình
Là người con gái, ai cũng khao khát về cuộc sống gia đình của riêng mình, ai cũng muốn hạnh phúc. Và Thị Nở cũng vậy. Thế nhưng, cuộc đời bạc bẽo khiến cho bản thân Thị không có cơ hội được tìm thấy điều đó. Bởi thế, ẩn sâu trong thâm tâm, Thị Nở luôn khao khát về tình yêu, về gia đình và hạnh phúc.
Sau đêm ăn nằm với Chí Phèo, người đàn bà ấy đã nghĩ đến hai chữ vợ chồng. Khát khao ấy đã ấp ủ từ lâu nay được trỗi dậy mạnh mẽ. Vượt qua mọi định kiến của xã hội, Thị đã sang ở với Chí. Những ngày tháng, cả hai trải qua cùng nhau vô cùng đẹp đẽ mặc dù rất bình thường.
Sau đó, Thị muốn hợp thức hóa quan hệ nên đã về hỏi bà cô. Tuy nhiên, cuộc đời chẳng được như ý muốn. Thị Nở đã bị chỉ trích, đay nghiến và cuối cùng chẳng quay về nữa.
Lời kết
Thông qua việc phân tích nhân vật Thị Nở, có lẽ mỗi người đã hiểu rõ hơn con người và xã hội lúc bấy giờ. Mặc dù chỉ là nhân vật phụ nhưng tác giả vẫn thể hiện sự trân quý và cảm thông sâu sắc về cuộc đời bất hạnh của họ. Chính Thị Nở đã khiến cho cao trào về bi kịch của Chí Phèo được thể hiện sâu sắc hơn. Từ đó, người đọc sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về sự vật, sự việc và con người.