Khái quát về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy
Nhân vật An Dương Vương là nhân vật đã đi vào sử sách. Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết đặc sắc trong kho tàng lịch sử văn học nước ta. Đây là truyền thuyết về chủ đề đấu tranh cứu nước và giữ nước. Câu chuyện có đan xen những yếu tố thần kỳ dân gian nhưng dựa trên cốt lõi lịch sử có thật về nhân vật An Dương Vương. Đó là một vị vua có công lớn trong việc xây thành, đắp lũy. Nhưng vì một phút lơ là, chính vị vua thương con như dân ấy lại khiến đất nước rơi vào tay kẻ thù.
Phân tích nhân vật An Dương Vương chi tiết
Mở bài
An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy qua ngòi bút khắc họa của tác giả dân gian trở nên quen thuộc với nhiều người Việt. Mỗi nhân vật đều được “thần thánh hóa” tạo nên nét đặc sắc cho câu chuyện. Trong đó nhân vật An Dương Vương là một trong những nhân vật được khắc họa rõ nét từ hình ảnh đến hành động. Cùng phân tích nhân vật An Dương Vương để hiểu rõ hơn về nhân vật này nhé.
Thân bài phân tích nhân vật An Dương Vương
- Luận điểm 1: Công lao dựng nước của An Dương Vương
An Dương Vương là vị vua có tầm nhìn xa trông rộng. Điều ấy thể hiện được việc ông dời đô từ núi Nghĩa Lĩnh về đồng bằng Cổ Loa để ổn định cuộc sống nhân dân. Khi dời đô về Cổ Loa, việc đầu tiên An Dương Vương làm đó là xây dựng thành kiên cố. Việc xây thành là để chống giặc ngoại xâm, nhưng cũng là sự chuẩn bị bảo vệ cho chính mình của An Dương Vương.
Nhưng việc xây thành không như suy nghĩ. Thực tế dù đã tập trung nhiều nhân công, nhưng ngày xây thì đêm đổ. Dù xây thành đắp lũy gặp không ít gian nan, thử thách nhưng An Dương Vương không hề bỏ cuộc. Đến mức An Dương Vương phải “lập đàn làm chay mấy tháng liền”. Chi tiết cụ già từ phương Đông đi lại báo tin cho vua biết sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp thể hiện nước cờ này của vua là đúng.
Vậy nên dưới sự giúp sức, chỉ đường dẫn lối của thần Kim Quy, An Dương Vương đã trừ được yêu tinh, xây xong thành. Hình tượng Loa Thành “cao dài hơn nghìn trượng, hình trôn ốc” thể hiện sự cảnh giác và bất khả xâm phạm tới nhân dân Âu Lạc.
Khi thần Kim Quy làm tròn sứ mệnh, từ giã ra về, An Dương Vương ngoài lời cảm tạ, đã không ngần ngại bày tỏ nỗi lòng “nhờ thần phù trợ, thành đã xây xong, nhưng làm thế nào chống giữ quận địch”. Điều này cho thấy vị vua này không tin tưởng tuyệt đối vào thành lũy, mà luôn băn khoăn lo sợ giặc ngoại xâm chiếm đóng.
Vậy nên khi được thần Kim Quy tặng móng để làm nỏ, theo lời thần dặn, An Dương Vương đã ngay lập tức tìm người chế nỏ thần. Đó là chiếc nỏ “bắn trăm phát trúng cả trăm, và chỉ một phát có thể giết hàng ngàn quân địch”. Thế nên, An Dương Vương quý chiếc nỏ thần vô cùng, vì cả vận mệnh dân tộc nằm trong tay ông, “lúc nào cũng treo gần chỗ nằm”. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhìn xa trông rộng, nên cùng với nỏ thần vua tôi An Dương Vương đã giành nhiều thắng lợi to lớn, đánh tan dã tâm xâm lược của quân Triệu Đà, đến mức “chạy về Trâu Sơn đắp lũy không dám đối chiến, bèn xin hòa”.
- Luận điểm 2: Những sai lầm của An Dương Vương
Dù là một vị vua anh minh, sáng suốt bao nhiêu nhưng cũng có lúc An Dương Vương mắc vào mưu sâu kế hiểm của địch. Vì quân Triệu Đà không thể chống lại được vũ khí và chín vòng thành của An Dương Vương nên đã trì hoãn bằng cách cầu hòa và còn cầu hôn Mị Châu – con gái yêu của An Dương Vương cho Trọng Thủy.
Việc đồng ý gả Mị Châu cho Trọng Thủy là một sai lầm lớn của An Dương Vương. Đến việc cho Trọng Thủy ở rể theo tục lệ của nước Âu Lạc lại càng sai. Đó chính là hành động “cõng rắn cắn gà nhà” mở đầu cho liên tiếp bi kịch sau này.
Có lẽ khi cho Mị Châu lấy Trọng Thủy, An Dương Vương không đứng ở góc độ là một quân vương, mà là một người cha, người cha “thấy đôi trẻ yêu thương nhau” nên không ngần ngại gả con gái mình.
Và chính sự ngây thơ của Mị Châu lại tiếp tay cho Trọng Thủy biết được bí mật quốc gia và tráo đổi nỏ thần. Trước đây An Dương Vương cảnh giác bao nhiêu thì giờ đây lại sơ hở bấy nhiêu. Vì chủ quan khinh địch, cậy có nỏ thần mà ngủ quên trên chiến thắng, không phòng bị gì. Đến mức khi quân Triệu Đà đánh sang cổng thành, An Dương Vương vẫn điềm nhiên mà rằng “Đà không sợ nỏ thần sao”. Để khi thức tỉnh nhận ra thì đất nước đã rơi vào tay kẻ thù.
An Dương Vương cùng con gái Mị Châu bỏ chạy, tình thế nguy cấp vô cùng, quân địch đuổi ngay sau lưng. Khi đến bước đường cùng, An Dương Vương liền chạy ra biển “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Thần Kim Quy xuất hiện và bảo An Dương Vương rằng “giặc ở sau lưng nhà vua đấy”.
Lúc này vua mới thật sự tỉnh ngộ, dù đau khổ vô cùng nhưng ông không ngần ngại rút gươm giết chết con gái duy nhất của mình. Hành rộng rút gươm giết con gái thể hiện sự kiên quyết, dứt khoát. Khi ấy ông không còn là một người cha, ông đứng trên lập trường của một vị vua vì công lý và quyền lợi dân tộc để trừng trị kẻ tội đồ.
Cùng một lúc An Dương Vương phải chịu tới hai nỗi đau, đó là nỗi đau mất nước và nỗi đau nhà tan cửa nát. Sự hối hận muộn màng của An Dương Vương cũng là bài học xương máu, lời cảnh tỉnh cho thế hệ sau trong quá trình giữ nước.
Cuối cùng, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc trở về với biển cả. Có lẽ chi tiết kì ảo cuối bài là thể hiện sự khoan dung của nhân dân dành cho vị vua ấy. Vì dù có tội nhưng đó là vô tình mà gây ra.
Kết bài
Thông qua phân tích nhân vật An Dương Vương ta thấy được công tội mà ông đã gây ra. Thông qua hình tượng An Dương Vương có lẽ cũng là thông điệp mà ông cha muốn gửi gắm đến thế hệ sau này về tính cảnh giác trong đấu tranh giữ nước.