Đã từng có nhiều học giả phân tích bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó đều là những cái nhìn thực tế về lối sống “nhàn” được luận ra từ thực tế của một nho sĩ ẩn cư. Phân tích bài Nhàn ta cũng ảnh hưởng một chút bởi lối sống xa rời tiền tài, danh vọng. Cuộc sống mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến chẳng khác nào cuộc sống Đen Vâu từng hát “Nếu thành phố mệt quá, ta về nuôi cá và trồng thêm rau” ở hiện tại. Dường như cuộc sống ấy cho ta nhân sinh quan đẹp đẽ hơn, lòng nhẹ nhàng hơn. 

Phân tích bài nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bài nhàn thể hiện thái độ sống thanh thản, tự tại rời xa chốn thị phi

Mở bài 

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là một nhà nho có học vấn uyên thâm. Ông còn được người đời gọi với cái tên là Tuyết Giang Phu Tử và là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lý, trong đó ngợi ca chí khí của kẻ sĩ, đồng thời phê phán những điều bất công trong xã hội. Nhàn là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông viết bằng chữ nôm, bài thơ nằm trong tập “Bạch Vân quốc âm thi tập”. Bài thơ được viết bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật, ngợi ca niềm vui sống thanh nhàn nơi đồng quê, tránh xa những tham – sân – si của cuộc sống bon chen thường ngày. Ở đây, ta không chỉ thấy được triết lý sống nhàn, mà còn nhận ra vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Việt Nam.

Thân bài phân tích bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho chúng ta thấy thế nào là cuộc sống nhàn. 

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Cuộc sống nhàn với Nguyễn Bỉnh Khiêm đó chính là trở thành một lão nông thực thụ, ngày ngày bận rộn với những công việc của “ngư, tiều, canh, mục”. Đó là thú hưởng nhàn cao quý của những nho sĩ thời ấy để thấy sự dứt khoát với các loại vui thú khác. Với tác giả, “dầu ai vui thú nào” thì vẫn không nào sánh bằng sự nhàn nhã nơi thôn quê của một lão nông về ở ẩn. 

Ngay từ chính giọng điệu thơ, ta cũng thấy được sự nhàn nhã. Đó chính là dáng vẻ thơ thẩn, ung dung bình thản trong cuộc sống nhàn tản. Không vội vàng, mọi thứ diễn ra hết sức bình thường như chính cuộc sống hàng ngày của ông vậy. Sự xuất hiện của mai, cuốc, cần câu giống như một sự tô điểm cho lối sống của nhà thơ. Đó là những vật dụng gắn liền với cuộc sống ấy, là hiện thân của cuộc sống không vướng bận lo toan tục lụy. 

Khi thực sự trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân thực thụ, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới nhìn thấy được vẻ đẹp cao cả mà những thói hưởng lạc tầm thường không có được. 

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Hai câu thực chính là cách phân biệt rõ ràng giữa sự lựa chọn của nhà thơ và cuộc sống thực tại. Tác giả đã sử dụng phép đối tạo nên sự so sánh rõ rệt “ta” – “người”, “dại” – “khôn”, “nơi vắng vẻ” – “chốn lao xao”. Bằng cách xưng ta ngạo nghễ, tác giả đã cho người đọc thấy được sự bất cần, rời xa chốn thị phi. Từ những đối cực ấy là sự khẳng định cho thái độ sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Người đời vốn lấy dại – khôn để tranh giành thiệt hơn. Đó chính là nguyên nhân khiến con người trở nên tầm thường, ích kỷ, nảy sinh những dục vọng thấp hèn. Thế nhưng, với nhà thơ, dại mà hóa khôn, khôn mà thành dại. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng tỏ chỗ đứng cao hơn với người đời, ông không bị mờ mắt bởi những phù hoa thường tình. Thế nên, ông chủ động tìm nơi vắng vẻ – nơi người đời gọi kẻ dại mới tìm đến để rời xa bụi trần. 

Khung cảnh thiên nhiên hiện ra thật yên bình

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cười cợt vào thói đời bằng những lời lẽ sâu cay. Đó là xã hội mà tất cả mọi người đều chạy theo danh lợi. Còn ông, trên tư thế của một bậc chính nhân quân tử chẳng hề bận tâm tới những khôn – dại của cuộc đời. Thế nên cuộc sống nhàn của ông càng trở nên ý nghĩa.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Nguyễn Bỉnh Khiêm hưởng thụ những ưu ái của thiên nhiên một cách trân trọng. Chẳng cần những rượu thịt, chẳng cần đàn hát thâu đêm suốt sáng, ở đây, Trạng Trình hưởng một cuộc sống nhàn nhã, gần gũi với thiên nhiên. Cuộc sống của ông từ Xuân – Hạ – Thu – Đông đều được thiên nhiên nuôi dưỡng, hấp thụ tinh khí đất trời. Ở đó, ta nhận ra con người của Nguyễn Bỉnh Khiêm hòa hợp với tự nhiên mà vẫn sang trọng bằng cái cốt cách trong sạch của mình. 

Những hình ảnh như măng trúc, giá, hồ sen còn mang ý nghĩa sâu sắc. Đó là quà tặng từ thiên nhiên, thể hiện phẩm chất thanh cao của người quân tử. Và quan niệm về lối sống nhàn của nhà thơ còn được khẳng định trọn vẹn hơn ở hai câu kết:

Rượu đến gốc cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Bằng cách mượn điển tích Thuần Vu, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã một lần nữa khẳng định thái độ sống dứt khoát với công danh phú quý. Ở đây phú quý trong mắt ông chỉ là cuộc sống của những kẻ bạc ác, thủ đoạn. Bởi thế tác giả lựa chọn cuộc sống thanh cảnh nơi thôn quê, gắn liền với thiên nhiên, đất trời và “nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. 

Cuộc sống rời xa thị phi, danh vọng mang đến cho tâm hồn nhà thơ sự thoải mái

Đó là cuộc sống gần gũi với nhân dân. Cuộc sống ấy tuy đạm bạc mà thanh cao mang đến sự thanh thản trong tâm hồn. Nhất là cuộc sống ấy luôn giữ cho nhân cách của người không bị hoen ố bởi kim tiền. 

Kết bài

Phân tích bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm ta thấy được lối sống nhàn được khắc họa rõ nét và nhân cách của một nhà nho yêu nước, luôn đau đáu với những bất công của xã hội. Ông tìm về với nhân dân, với thiên nhiên để rời xa những thị phi, kim tiền, cũng là để giữ cho lòng mình trong sạch, hiểu hơn cuộc sống của nhân dân. Bài thơ cho ta thấy giá trị của lối sống nhàn, nó giúp tâm hồn ta thanh thản và thoải mái nhất. Đó cũng là điều đến hiện tại nhiều người mong muốn được trải nghiệm.